Những thầy, cô thầm lặng ở Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh

“Keng, keng, keng” khi những tiếng kẻng cuối cùng trong ngày rộn rã vang lên cũng là lúc thầy Nguyễn Văn Dũng, thầy Bùi Văn Vy giục các học viên của mình về phòng nghỉ ngơi, sau một ngày làm việc căng thẳng, sự mệt mỏi hiện lên qua từng hành động và trên đôi mắt của các thầy. Tiếng kẻng vang lên mất hút trong bóng đêm, có học viên đã bước vào giấc ngủ, đối với những thầy, cô nơi đây thì một ca trực mới lại bắt đầu.

Công tác tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh được tròn 10 năm thầy Nguyễn Văn Dũng luôn được các học viên yêu quý bởi sự gần gũi, thân thiện, quan tâm đến học viên. Được đào tạo tại trường Đại học sư phạm Hà Nội và Học viện quản lý giáo dục, đã từng là thầy giáo đứng trên bục giảng, là hiệu trưởng của một trường tiểu học tại tỉnh Lai Châu. Năm 2012 bén duyên với lĩnh vực cai nghiện, giúp đỡ người lầm lỡ từ bỏ ma túy, thầy Nguyễn Văn Dũng chuyển sang công tác tại Trung tâm 05 – 06 tỉnh Lai Châu thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lai châu. Năm 2013 chuyển về Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh Quảng Ninh (nay là Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh), hiện thầy đang là Trưởng Khu quản lý học viên số 2, quản lý hơn 300 người cai nghiện. Thầy Nguyễn Văn Dũng là tấm gương sáng ngời trong công tác cai nghiện ma túy, được mọi học viên yêu quý, tin tưởng. Với 10 năm trong nghề, bằng cái tâm của một người thầy giáo, bằng tình cảm chân thành giống như những người thân trong gia đình, thầy đã giúp đỡ, cảm hóa hàng trăm người lầm lỡ mắc phải sai lầm rơi vào con đường nghiện ma túy tìm lại chính mình, lấy lại tự tin, quyết tâm để vượt qua nỗi đau ma túy. 10 năm gắn bó với các học viên cai nghiện tại Cơ sở, trong đó có 07 năm ăn tết xa nhà, thầy như thấu hiểu được hoàn cảnh, tâm tư, tình cảm của những học viên nơi đây. Thầy Dũng tâm sự “công việc cai nghiện ma túy, giúp đỡ người lầm lỡ là một công việc đặc biệt, nó giống như dạy một đứa trẻ trái tính, trái nết, nhìn nó lớn lên, trưởng thành và thay đổi tốt đẹp theo mong muốn của mình thì cảm thấy rất vui. Hãy bắt đầu bằng giúp một người, sau đó giúp thêm vài người, vài người nữa, giúp đỡ được càng nhiều người từ bỏ ma túy, mình cảm thấy hạnh phúc”.

Hình ảnh thầy Nguyễn Văn Dũng tư vấn phòng chống tái nghiện ma túy cho các học viên chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng

Hôm nay là phiên trực của cô Lương Thị Huệ là cán bộ của phòng Y tế Cơ sở, sau một ngày làm việc vất vả với những công việc quen thuộc như: tiếp nhận học viên mới, bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt của các học viên mới để thuận lợi cho việc cắt cơn, giải độc; khám chữa bệnh và cấp phát thuốc cho học viên ở các Khu quản lý. Khi màn đêm buông xuống, các học viên đã yên giấc cũng là lúc cô có thời gian để nghỉ ngơi, mặc dù vẫn đang trong ca trực để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời những học viên đang điều trị, cắt cơn tại Khu Y tế nhưng đây cũng là khoảng thời gian nhàn rỗi nhất trong ngày để cô nghĩ về gia đình, gọi điện động viên các con học tập. Cô Lương Thị Huệ cũng là một trong những tấm gương sáng trong công tác chăm sóc, điều trị, giúp đỡ những người lầm lỡ nghiện ma túy tại Cơ sở. Năm 2008 sau khi tốt nghiệp Trung cấp Y sĩ đa khoa tại Trường Cao đẳng y tế Quảng Ninh cô xin vào công tác tại Cơ sở, hơn 10 năm gắn bó với những người nghiện ma túy, vượt qua vô số những thiệt thòi trong công việc, hàng ngày cô vẫn đều đặn tiếp xúc với những người nghiện ma túy để cắt cơn, điều trị bệnh cho họ. Với cô niềm vui được nhân đôi khi nhìn thấy người bệnh khỏe mạnh và sớm trở về hòa nhập cộng đồng. Khác với vẻ bề ngoài có phần rụt rè nhút nhát, trong công việc ở cô luôn toát lên sự tự tin, bình tĩnh, thân thiện, trong hơn 10 năm công tác tại Cơ sở cô đã khám, điều trị và giúp đỡ cho hàng ngàn người nghiện ma túy, cô tâm sự “Tiếp xúc với người nghiện luôn là một việc làm đầy khó khăn. Nếu các thầy, cô không có một tinh thần tốt cùng sự đồng cảm với người nghiện thì khó để bám trụ nghề này. Điều hạnh phúc nhất mà Huệ cảm nhận rõ là mỗi tháng khi lật cuốn sổ theo dõi không có thêm người bệnh mới mà thay vào đó số người bệnh đã điều trị và cai nghiện thành công tại Cơ sở ngày một tăng cao”. Với lòng yêu nghề, tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, say mê học hỏi và sáng tạo trong công việc, hàng năm cô đều hoàn thành tốt mọi công việc được giao, luôn được các học viên yêu mến, tin tưởng mỗi khi được cô chăm sóc, điều trị.

Y sĩ Lương Thị Huệ và công việc hàng ngày tại Cơ sở

Cũng giống như y sĩ Lương Thị Huệ, cô giáo Nguyễn Thị Tâm sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh đã xin vào làm việc tại Cơ sở cai nghiện từ năm 2013. Được đào tạo về chuyên ngành sư phạm cô được phân về phòng Giáo dục – Tái hòa nhập cộng đồng, phụ trách dạy lớp xóa mù chữ của Cơ sở. Vượt qua cảm giác bỡ ngỡ, lo lắng ban đầu, nhìn những khóa học viên tốt nghiệp biết đọc thông, viết thạo, cô cảm thấy rất vui vì những tâm huyết, sự cố gắng của mình đã đem lại những thành quả xứng đáng. “Từ nhỏ, tôi không thiện cảm với người xăm trổ đầy mình, trớ trêu là lớp học đầu tiên tôi dạy không phải là các em nhỏ mà lại là những thanh niên và cả những người bằng tuổi cha, mẹ mình, toàn những người xăm trổ,  hình xăm bặm trợn. Ban đầu bản thân tôi tiếp xúc với họ cũng khá lo lắng nhưng qua quá trình giảng dạy, tiếp xúc và tâm sự, tôi mới biết được đằng sau những hình xăm kỳ dị, đáng sợ là những con người đang khát khao có được cái chữ, khát khao từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời. Chính những lúc như vậy đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh để làm tốt trong công việc” cô giáo Tâm tâm sự.

Cô giáo Nguyễn Thị Tâm hướng dẫn học viên tập đọc tại lớp xóa mù chữ của Cơ sở

Dạy xóa mù chữ cho những người bình thường đã khó, dạy cho những người đã một thời lầm lỗi do vướng vào tệ nạn ma túy lại càng khó hơn. Một phần họ ngại do lớn tuổi rồi vẫn đi học, phần khác họ luôn mặc cảm, tự ti. Do đó hàng ngày cô giáo Nguyễn Thị Tâm vừa phải dạy chữ, vừa phải là nhà tâm lý, thường xuyên gần gũi, nắm bắt được tâm lý của từng người để kịp thời động viên họ vượt qua những mặc cảm, đồng thời cũng phải kiên nhẫn, giúp họ có thêm động lực để tiếp thu bài.

Thời gian cứ trôi, công việc hàng ngày của các thầy, cô trong Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh vẫn diễn ra âm thầm và lặng lẽ. Sinh thời Bác Hồ kính yêu mong muốn “mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một vườn hoa đẹp”. Các thầy, cô như thầy Dũng, y sĩ Huệ, cô giáo Tâm và biết bao thầy, cô khác trong Cơ sở như một vườn hoa ngát hương thơm vẫn ngày đêm lặng lẽ, vượt lên mọi khó khăn giúp bao mảnh đời lầm lỡ, trót sa vào ma túy làm lại cuộc đời. Với họ, khi một học viên ra khỏi Cơ sở tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội đó chính là những bông hoa tri ân cho công việc thầm lặng của mình.

Tác giả: Trần Đình Quang – Viên chức Cơ sở CNMT

Bài viết liên quan