Lớp học đặc biệt

Trong thời gian gần đây, hàng ngày tại Ban quản lý học viên số 1 của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh lại vang lên tiếng đánh vần như trẻ nhỏ của những học viên lớn tuổi. Đó là những tiếng đọc bài của các học viên đang theo học lớp “xóa mù chữ” tại Cơ sở.

Vừa hướng dẫn học viên đọc, chốc lát cô giáo Nguyễn Thị Tâm (cán bộ Phòng Giáo dục THNCĐ) dừng lại nhắc: “Đọc chữ b cho dứt khoát, chứ không kéo dài ra. Các bạn đọc lại nào”! Có lẽ đây không phải lần đầu cô Tâm nhắc điều đó, cô bảo có những điều rất nhỏ nhưng cô nhắc cả chục lần, học viên vẫn quên. Gần một năm gắn bó với lớp học, nay cô dường như hiểu hết đặc điểm, khó khăn của từng học viên. Vừa dạy chữ, cô vừa động viên tinh thần, giúp các học viên vượt qua mặc cảm, tự ti của bản thân để học lấy cái chữ giúp ích cho bản thân mình. Vì thế dù lớp học chỉ có hơn chục học sinh cũng khiến cô vã mồ hôi mỗi giờ lên lớp.

Cô giáo Nguyễn Thị Tâm đang hướng dẫn học viên tập đọc

Gọi là “Lớp học đặc biệt” bởi đây là lớp học dạy xóa mù chữ được Cơ sở mở từ tháng 2 năm 2020. Ban đầu có 07 học viên theo học, đến nay lớp học đã tăng lên 16 học viên. Hiện tại lớp đang giảng dạy xóa mù chữ cho các học viên ở hai trình độ khác nhau, trong đó có 04 học viên đang theo học trình độ lớp Hai và 12 học viên đang theo học lớp Một.

Khi được hỏi về những khó khăn trong việc dạy xóa mù chữ cho những học viên tại Cơ sở cô giáo Tâm chia sẻ: dạy xóa mù chữ cho những người bình thường đã khó, dạy cho những người đã từng một thời lầm lỗi do vướng vào tệ nạn ma túy lại càng khó hơn. Một phần họ ngại do lớn tuổi rồi vẫn đi học, phần khác họ luôn mặc cảm, tự ti với chính mình. Do đó giáo viên vừa phải dạy chữ, vừa phải là nhà tâm lý, thường xuyên gần gũi, nắm bắt được tâm lý của từng người để kịp thời động viên họ vượt qua những mặc cảm, đồng thời cũng phải kiên nhẫn, giúp họ có thêm động lực để tiếp thu bài.

Quang cảnh lớp học

Học viên Lò Văn Hặc năm nay gần 60 tuổi hiện đang tham gia lớp xóa mù chữ tâm sự: Do cuộc sống của gia đình, xã hội và hoàn cảnh đưa đẩy nên bản thân không được đi học, rồi lại sa vào việc sử dụng ma túy nên nhiều khi nghĩ lại cũng rất tủi thân, mặc cảm, tự ti với bạn bè, xã hội. Khi vào Cơ sở tôi được học chữ, biết viết, biết đọc, biết tính, chứ trước đây có biết chữ A, B là gì đâu! phép cộng, phép trừ chưa biết nói chi các phép tính nhân, chia. Tôi thật sự cám ơn các Thầy, Cô ở Cơ sở đã dạy tôi học chữ. Mỗi khi thăm gặp gia đình khoe với vợ, con được học chữ, biết viết tên, đọc được sách, báo nên gia đình vui lắm!

Sau gần một năm kiên nhẫn, miệt mài học tập, từ những học viên còn bỡ ngỡ, không biết viết tên của mình, thì đến nay trong số họ nhiều người đã đọc thông, viết thạo, biết thực hiện 04 phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản. Có người đã tái hòa nhập cộng đồng, có người vẫn đang hàng ngày miệt mài học tập, đánh vần với các con chữ. Chính từ nơi đây đã thắp sáng hy vọng, niềm tin cho những con người đã một thời lầm lỗi, trở về xã hội có một tương lai tươi sáng hơn.

 

Bài viết liên quan